1. Bối cảnh
Tại Việt Nam, chất lượng nước mặt của các sông ngòi kênh rạch đặc biệt ở các vùng đô thị và vùng công nghiệp bị suy thoái tới mức gần như biến chất và nguy hiểm đối với con người và sinh vật thủy sinh. Các sông Tô Lịch, sông Sét, sông Kim Ngưu…trong thực tế đã trở thành một phần của hệ thống thoát nước thải của thành phố Hà Nội và nước sông trở nên đen sẫm và bốc mùi như nước cống. Các sông khác như sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh), sông Bưởi (Thanh Hóa), sông Nhuệ-Đáy (đoạn chảy qua Hà Tây, Hà Nam), sông Thị Vải (Đồng Nai), suối Bó Cá (Sơn La), sông Đa Độ (Hải Phòng), sông Gâm (Cao Bằng), hồ Nhất Bích Trì (Lạng Sơn), sông Nặm Cắt (Bắc Cạn), Ngòi Lao (Phú Thọ), suối nước Nà Bò (Lai Châu),…cũng đều nằm trong trình trạng báo động về mức độ ô nhiễm và đã được công bố trên phương tiện thông tin trong thời gian vừa qua.
Trong bối cảnh đó, được sự tài trợ của Liên Minh châu Âu và tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Chương trình Liên minh Vận động Chính sách Kiểm soát và Ngăn ngừa Ô nhiễm nước (gọi tắt là Liên minh Nước sạch) được thành lập vào tháng 10/2013 với mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên nước trước ô nhiễm công nghiệp và các nguồn ô nhiễm khác, đảm bảo cho sự tiếp cận nước an toàn các hoạt động kinh tế và dân sinh. Sau 7 năm hoạt động tích cực, Liên minh Nước sạch đã đạt được một số kết quả như:
Nghiên cứu theo vấn đề: Chỉ trong một thời gian ngắn, Liên minh đã tiến hành nghiên cứu tổng quan và điều tra về thực trạng ô nhiễm nước cũng như công tác KSONN tại những thủy vực điển hình tại một số địa phương ở Việt Nam, nhằm đánh giá tác động của ô nhiễm nước tới sức khỏe, kinh tế của cộng đồng; xác định những bất cập trong công tác quản lý, thể chế chính sách, kỹ thuật, xã hội, trách nhiệm của các bên.
Nghiên cứu các bài học từ nước ngoài: Liên minh đã tham khảo kinh nghiệm và chính sách của các nước về kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm nước, các biện pháp xử lý ô nhiễm, nhằm hỗ trợ công tác xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến KSONN tại Việt Nam. Cụ thể, Luật KSONN của Mỹ (Luật Nước sạch năm 1972); Luật KSONN của Nhật Bản (năm 1970); Luật Kiểm soát và Phòng ngừa Ô nhiễm nước của Trung Quốc (ban hành năm 1984, sửa đổi năm 2008); Luật Nước sạch Philipin (năm 2004)
Nghiên cứu chính sách: Nghiên cứu, rà soát và phân tích các luật (Luật BVMT (2005), Luật Tài nguyên nước) và các văn bản hiện hành liên quan đến KSONN về các khía cạnh như ĐTM, quy trình KSONN tổng thể, vai trò của các bên (cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng, truyền thông…); tìm ra các bất cập, lỗ hổng trong việc thực thi chính sách… Từ đó, đưa ra các khuyến nghị và đề xuất xây dựng Luật KSONN của Việt Nam.
Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong KSONN: các nhóm cộng đồng tại Sơn La, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam được nâng cao năng lực về giám sát thực thi pháp luật, cùng với các bên liên quan ở địa phương thực hiện giám sát nguồn nước nhằm thúc đẩy kiểm soát ô nhiễm nước tại địa phương.
Vận động xây dựng và ban hành Luật KSONN ở Việt Nam: xây dựng khuyến nghị chính sách và tài liệu về sự cần thiết của Luật KSONN và gửi tới các nhà hoạch định chính sách (Bộ TNMT, Uỷ ban Khoa học, Cộng nghệ và Môi trường Quốc hội,…).
Nhằm đúc kết các kết quả đạt được, Liên minh Nước sạch thực hiện xây dựng phim ngắn thể hiện quá trình hình thành và phát triển của Liên minh trong 7 năm (2013 – 2020). Điều khoản tham chiếu này được xây dựng cho đơn vị/cá nhân thực hiện xây dựng phim ngắn trên với chi tiết được mô tả cụ thể trong các mục dưới đây:
2. Nội dung phim ngắn
– Sản xuất phim ngắn thời lượng 3 – 5 phút
– Nội dung chính: Quá trình hình thành, phát triển và kết quả của Liên minh Nước sạch trong 7 năm, bao gồm:
+ Bối cảnh thành lập Liên minh Nước sạch
+ Tóm tắt các kết quả chính Liên minh Nước sạch đạt được trong 7 năm
+ Giới thiệu các mô hình cộng đồng bảo vệ nguồn nước tại địa phương
3. Nội dung công việc
– Phát triển kịch bản phim ngắn dựa trên phác thảo kịch bản đã có sẵn (CECR xây dựng)
– Xây dựng nội dung phim từ dữ liệu được cung cấp (thông tin, hình ảnh, video)
– Quay phim quá trình phỏng vấn theo kế hoạch
– Hoàn thiện phim ngắn, với sự theo dõi và kiểm duyệt của CECR
4. Thời gian thực hiện
Thời gian hoàn thiện sản phẩm: Trước ngày 20/09/2020
5. Sản phẩm
– Kịch bản chi tiết, kế hoạch phỏng vấn, kế hoạch quay phim
– Các đoạn phim ngắn chưa qua chỉnh sửa (theo yêu cầu của CECR)
– Phim hoàn chỉnh có nhạc nền, lời bình, phụ đề tiếng Anh (2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, mỗi phiên bản gồm hai dạng mp4 và raw)
6. Yêu cầu
– Có nhiều kinh nghiệm sản xuất các phim, phóng sự
– Có khả năng sử dụng các phầm mềm đồ họa
– Kỹ năng giao tiếp và truyền thông tốt
– Có kinh nghiệm làm việc với các tổ chức phi chính phủ là một lợi thế
7. Yêu cầu hồ sơ
– Giới thiệu năng lực công ty và/hoặc CV các cá nhân tham gia làm phim
– Một số sản phẩm/phim ngắn đã sản xuất
– Đề xuất ý tưởng kịch bản
– Kế hoạch triển khai dự kiến
Các ứng viên quan tâm vui lòng gửi hồ sơ ứng tuyển và kinh phí đề xuất (bản mềm) về CECR qua email: cecr.vn@gmail.com trước 17:00 ngày 11/09/2020 với tiêu đề “[CECR-Hồ sơ ứng tuyển xây dựng phim ngắn kỉ niệm 7 năm thành lập Liên minh Nước sạch] – Tên đơn vị/cá nhân”
DEADLINE: 11/9/2020
LOCATION: HÀ NỘI Kênh kiến thức kỹ năng, phát triển bản thân, hướng nghiệp, blog nhân sự