1. Thông tin chung
Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Việt Nam, hoạt động hướng tới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quản trị nhà nước tốt để tạo dựng một xã hội công bằng, nơi người lao động, phụ nữ nghèo, nam giới và trẻ em trai, gái được tôn trọng, đối xử tốt nhất trong bối cảnh kinh tế phát triển nhanh chóng ở Việt Nam và Châu Á. Trong các chủ đề hoạt động của CDI, Quyền lao động là một trong những trọng tâm ưu tiên, được CDI bắt đầu thực hiện từ những năm 2010 đến nay.
Từ năm 2015, Điện tử trở thành ngành công nghiệp hàng đầu, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu đứng thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Châu Á. Với hơn 1.000 doanh nghiệp, công nghiệp điện tử thu hút một lực lượng lớn lao động, vào khoảng 600.000 người (2017). Hầu hết trong số họ là lao động di cư với tỷ lệ nữ cao. Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu nhưng thực tế ngành điện tử nước ta mới dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất điện tử. Theo báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) năm 2016, khoảng 80% người lao động (NLĐ) ở phân khúc dưới của ngành công nghiệp điện tử là lao động nữ, làm việc trong các dây chuyền lắp ráp vốn không mang lại nhiều giá trị gia tăng. Điều kiện lao động của ngành còn nhiều bất cập. Hơn một nửa số lao động của ngành phải làm việc trong điều kiện có tiếng ồn cao, vi khí hậu nóng, công việc lặp đi lặp lại và phải đứng trong suốt thời gian làm việc. Trong khi đó, công tác thực hiện đối thoại tại doanh nghiệp chưa được triển khai đầy đủ và đem lại hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp và NLĐ. Theo kết quả tổng kết chiến dịch thanh tra lao động năm 2017 trên phạm vi 216 doanh nghiệp điện tử, trung bình 8,3 sai phạm/ doanh nghiệp được ghi nhận. Trong đó, có nội dung không thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc (92/216 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ gần 43% số doanh nghiệp được kiểm tra). Còn theo kết quả khảo sát đầu kỳ do CDI thực hiện tại Hải Phòng và Đồng Nai năm 2018, người tham gia khảo sát bao gồm NLĐ và đại diện doanh nghiệp cho biết “Các doanh nghiệp có tổ chức hoạt động đối thoại 3 tháng/lần. Chủ đề đối thoại thường tập trung vào tình hình sản xuất, tiền lương, tăng ca, phúc lợi. Tuy nhiên, cả đại diện công đoàn cơ sở, NLĐ, và doanh nghiệp đều cảm thấy chưa hài lòng với chất lượng các buổi đối thoại. Bởi người tham gia đa số là cấp tổ trưởng trở lên, không có công nhân tham gia đối thoại”.
Trong khuôn khổ dự án
“Thúc đẩy quyền và tiếng nói của lao động di cư, đặc biệt là lao động nữ, hướng tới đảm bảo an sinh xã hội và điều kiện làm việc tốt hơn ở các khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương” do Oxfam tài trợ, CDI có kế hoạch tổ chức một chuỗi hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đối thoại hiệu quả hơn với sự tham gia của NLĐ. Các hoạt động bao gồm: 1) Hội thảo chia sẻ và học hỏi giữa các doanh nghiệp về một số mô hình đối thoại xã hội thành công; 2) Tập huấn cho doanh nghiệp và đại diện NLĐ về phương pháp, kỹ năng đối thoại; 3) Thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp – đại diện NLĐ đối thoại và xây dựng kế hoạch hành động chung.
Để chuỗi hoạt động thành công và đạt hiệu quả cao, CDI có nhu cầu tuyển dụng tư vấn hoặc nhóm tư vấn đảm nhận công việc xây dựng nội dung, phát triển tài liệu và tập huấn, thúc đẩy quá trình đối thoại giữa doanh nghiệp và NLĐ.
2. Mục tiêu của hoạt động
- Giới thiệu cho các doanh nghiệp về các mô hình và cách thức thực hiện đối thoại xã hội khác nhau để doanh nghiệp có thêm các lựa chọn nhằm tiến hành các hoạt động đối thoại xã hội có hiệu quả hơn
- Tập huấn và hướng dẫn cán bộ quản lý và người lao động trong (các) doanh nghiệp điện tử cách thức tổ chức thực hiện đối thoại xã hội một cách xây dựng và thoải mái nhằm cải thiện quá trình sản xuất và điều kiện làm việc tốt hơn
3. Đối tượng
- Nhà máy điện tử có công nhân tham gia dự án
- Cán bộ quản lý tại nhà máy
- Đại diện người lao động tại nhà máy
4. Thời gian – Địa điểm
- 0.5 ngày hội thảo, dự kiến tổ chức vào ngày 25/10 tại Bắc Ninh
- 1,5 ngày bao gồm 1 ngày tập huấn và 0,5 ngày đối thoại theo kế hoạch thống nhất giữa 3 bên gồm dự án – doanh nghiệp và tư vấn
5. Nhiệm vụ và yêu cầu tuyển tư vấn
Nhiệm vụ:
- Xây dựng chương trình và nội dung hội thảo, tập huấn phù hợp với nhóm đối tượng để đạt được mục tiêu đề ra
- Cùng với nhóm dự án thực hiện các hoạt động theo phương pháp có sự tham gia, sử dụng nhiều công cụ trực quan
- Hướng dẫn và góp ý/phản hồi cụ thể (cầm tay chỉ việc) cho các phần thực hành của các học viên tại khóa tập huấn;
- Hướng dẫn và hỗ trợ các nhóm đối tượng trong quá trình thực hiện đối thoại;
- Đánh giá trước và sau tập huấn.
- Góp ý/phản hồi cho kế hoạch hành động của các học viên;
- Viết báo cáo về kết quả thực hiện công việc
Yêu cầu:
- Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực liên quan
- Am hiểu và quan tâm đến các vấn đề về quyền lao động và các chủ đề có liên quan
- Có ít nhất 10 năm kinh nghiệm tham gia tập huấn, đánh giá và xác định các nhu cầu đào tạo và hướng dẫn
- Có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển và làm việc với các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam
- Có tinh thần trách nhiệm cao
6. Phí tư vấn
Phí tư vấn do tư vấn đề xuất.
7. Hồ sơ ứng tuyển bao gồm:
- Kế hoạch dự kiến thực hiện tập huấn, bao gồm chương trình, nội dung và phương pháp
- CV của tư vấn
- Phí tư vấn đề xuất.
Hồ sơ ứng tuyển xin gửi về chị Ngô Thị Trang, Cán bộ dự án, Trung tâm Phát triển và Hội nhập,
Email trang.ngothi@cdivietnam.org, điện thoại: 0377 826 183
Deadline: Muộn nhất ngày 15/10/2020. Kênh kiến thức kỹ năng, phát triển bản thân, hướng nghiệp, blog nhân sự