Làm việc trong ngành phi chính phủ / phi lợi nhuận / NGO-NPO Mỗi lần gặp lại bạn bè cũ, làm quen bạn mới, họ hàng, mọi người thường hỏi “làm nghề gì vậy?” Khi mình trả lời làm trong ngành phi chính phủ, mình nhận được nhiều phản hồi khác nhau, đa phần là không biết hoặc hiểu chưa đủ về phi chính phủ. Buồn cười nhất là câu hỏi: “phi chính phủ là chống lại nhà nước đó hả”. Một số bạn bè cũng hay hỏi thăm, giới thiệu người quen đang thử tìm việc trong ngành phi chính phủ, thế nên mình viết blog này để những ai không trong ngành có một cái nhìn tổng quát về sự nghiệp trong các tổ chức phi chính phủ. Bản thân mình chỉ chuyên về một mảng của NGO, nên không thể nói thay cho tất cả các mảng khác, tổ chức khác cũng thuộc NGO. Ai cũng làm trong NGO nhưng chuyên về mảng khác thì comment bổ xung ý kiến nhé.
*Tổ chức phi chính phủ là gì?* Tổ chức phi chính phủ là những tổ chức hoạt động giúp đỡ các đối tượng bị hạn chế trong nhiều mặt của đời sống so với mức trung bình của xã hội. Trong một tập huấn về NGO ở Yale-NUS Singapore mà mình được tham gia, họ xem vai trò của các tổ chức phi chính phủ cũng giống như chính phủ. Nhưng chính phủ chăm lo cho cộng đồng dân số cả nước nói chung. Còn tổ chức phi chính phủ hướng tới những nhóm nhỏ, có nhu cầu đặc biệt mà nhà nước không thể bao quát hết được. Ví dụ, nhà nước đảm bảo tất cả mọi người đều được học tiểu học (phổ cập giáo dục). Ở những vùng sâu vùng xa, trẻ em không những được miễn học phí mà còn được phát gạo khi đi học. Tuy nhiên, có những trẻ sống ở vùng địa lý quá khó khăn, gia đình quá nghèo cần lao động, hay mồ côi trẻ em lang thang không giấy tờ tùy thân. Đó là khi các tổ chức về trẻ em, giáo dục tham gia như vận động gia đình cho các em đi học, phát học bổng, dụng cụ học tập, tổ chức lớp học kỹ năng, học nghề.
*Phân biệt giữa từ thiện và phát triển* Nhiều bạn hiểu lầm làm NGO là làm từ thiện, đi quyên góp tiền rồi phát cho người nghèo. Trước khi bước vào “thế giới phi chính phủ”, bạn cần phân biệt được 2 looại hình phi chính phủ: – Tổ chức từ thiện (charity)là tổ chức chỉ hướng đến cung cấp vật chất cho đối tượng thụ hưởng như tiền, lương thực, quần áo. Tổ chức từ thiện khá phổ biến ở VN, nhất là các nhóm tình nguyện, từ thiện tự phát. Tuy nhiên, từ thiện chỉ giải quyết được vấn đề một cách nhất thời (giúp đỡ người đói, thiếu ăn thiếu mặc) nhưng thay đổi kinh tế xã hội về lâu về dài phải tính đến các tổ chức phát triển – Tổ chức phát triển (development) là các tổ chức cung cấp cho cộng đồng công cụ, giải pháp, kỹ năng để TỰ TỒN TẠI và phát triển.
Thực sự thì từ thiện chỉ là một mảng hoạt động của NGO. Đa phần mọi người đánh đồng các NGO vào công việc từ thiện trong khi số lượng ngành phân nhánh trong NGO đa dạng đến hơn mười ngành nghề ( xem phần Xin việc trong ngành phi chính phủ bên dưới) và hầu hết là công việc phát triển. Cách phân biệt đơn giản nhất là tổ chức từ thiện cho con cá, tổ chức phát triển cho cần câu.
Tổ chức phi chính phủ là phi lợi nhuận. Tức số tiền đi vào bằng với chi phí hoạt động. Nếu có dư kinh phí thì đó là để phát triển tổ chức. Không có nhà đầu tư, hay chủ vốn hưởng lợi từ thặng dư đó.
Vậy tiền đâu ra để tổ chức phi chính phủ hoạt động? Tùy vào khả năng gây quỹ của tổ chức, tùy định hướng và chiến lược của tổ chức mà có nhiều nguồn: từ các nhà tài trợ (cá nhân hay tổ chức), từ các quỹ (foundation), từ chính phủ, tự gây quỹ bằng sự kiện gây quỹ hoặc thông qua bán một số sản phẩm/dịch vụ của tổ chức.
Giải thích kỹ càng thì rất phức tạp vì mỗi tổ chức phi chính phủ mỗi kiểu. Bạn chỉ cần hiểu là có những tổ chức tiền dư giả vì nhận được kinh phí dài hạn, có nhiều tổ chức chật vật gây quỹ từng năm một, từng dự án một, thậm chí người sáng lập phải bỏ tiền túi để duy trì.
*Làm cho tổ chức phi chính phủ có lương không?* - Có. Chứ không làm sao mình sống hết năm này qua tháng khác? Nhiều bạn nghĩ làm phi chính phủ là làm từ thiện. Trong khi từ thiện chỉ là một phần nhỏ của công tác phi chính phủ. Lương cho nhân viên là một phần của chi phí hoạt động, nên dù không làm ra lợi nhuận, các tổ chức vẫn có tính toán để trả lương cho nhân viên.
*Lương ở các tổ chức phi chính phủ có cao không?* Ngược lại với suy nghĩ làm phi chính phủ là làm không công, một số thông tin “trên mạng internet” và một số người thực sự tin lương phi chính phủ cao ngất trời. Hỏi ra thì họ so sánh với các tổ chức cỡ … Liên Hiệp Quốc hay lương … chuyên gia 10 năm kinh nghiệm trở lên.
Cũng giống như thông tin về tài chính bên trên, lương cao hay thấp tùy vào nguồn quỹ của tổ chức đó. Không thể quơ đũa cả nắm toàn bộ ngành phi chính phủ. Một số tổ chức chỉ có khả năng trả nhân viên ở mức đủ sống. Một số ngang bằng với các công ty kinh doanh có lợi nhuận. Còn cỡ như United Nation thì tình nguyên viên thôi đã có lương rồi, lợi ích cho nhân viên tính đến vợ chồng con cái.
Nói đến đây, một số bạn đang tìm hiểu công việc phi chính phủ có thể chựng lại. Bạn có thể tự hỏi bản thân, mình chọn làm phi chính phủ vì điều gì?
Nếu bạn muốn tham gia phi chính phủ vì có tâm, hãy kiên trì. Tin mừng là bạn sẽ không chật vật mãi nếu bạn theo đuổi lâu dài, xây dựng kinh nghiệm giống như mọi ngành nghề khác.
Còn nếu bạn muốn làm phi chính phủ vì bất cứ lý do nào khác, bao gồm những lý do mình liệt kê sau đây, xin hãy từ bỏ ý định đó. Toàn bộ bài viết này sẽ giải thích tại sao.
- Lương cao - Không có áp lực (hay còn gọi là “nhàn”, làm ăn tới đâu cũng được) - Môi trường quốc tế, được đi nước ngoài nhiều - Môi trường cạnh tranh lành mạnh
*Xin việc trong ngành phi chính phủ có khó không?* Đối với một số bạn bè của mình thì không khó khăn lắm nhưng đối mình thì hơi vất cả. Lúc mình đổi việc sang phi chính phủ, mình mất khooản 5 tháng để tìm được công việc đầu tiên. Ngành phi chính phủ mà mình làm rất hiếm việc làm, phát triển thanh niên. Ngay cả khi mình nhảy việc, chuyển từ mảng phát triển thanh niên sang phát triển thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, cũng khá chật vật.
Đây là lý do đầu tiên mà nếu không kiên trì, bạn sẽ khó tìm được việc trong NGO. Tình hình chung của NGO hiện nay là rất ít việc so với các công ty kinh doanh. Lý do là Việt Nam thoát nghèo, các tổ chức phi chính phủ quốc tế rút ra khỏi Việt Nam. Một số tổ chức phi chính phủ khá kén người. Một số chỉ tuyển nội bộ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phi chính phủ không thiếu người. Các tổ chức quốc tế rời đi là để nhường chỗ cho các tổ chức địa phương, và các tổ chức địa phương khao khát những người tốt nghiệp hay được đào tạo bài bản ngành Công Tác Xã Hội. Chỉ có điều, bạn có chịu chấp nhận mức lương của một tổ chức phi chính phủ địa phương có nguồn tài chính eo hẹp?
*XÁC ĐỊNH MẢNG HOẠT ĐỘNG VÀ CHỨC NĂNG CÔNG VIỆC BẠN MUỐN LÀM* Nếu bạn đã quyết định tìm việc phi chính phủ, bạn nên bắt đầu tìm hiểu các loại hình phi chính phủ bằng cách đọc các tuyển dụng, follow website facebook, hoặc tham gia tình nguyện, xác định xem bạn thích mảng hoạt động nào:
- Trẻ em - Người khuyết tật - Người già - Môi trường - Bảo vệ động vật hoang dã - Ý tế/Sức khỏe - Giáo dục - Phụ nữ - Phát triển kinh tế - Và nhiều mảng đa dạng khác
Xác định chức năng công việc phù hợp với kinh nghiệm, kỹ năng của bạn:
- Các chức năng chuyên môn: tùy theo mảng hoạt động mà NGO sẽ cần nhân viên kỹ thuật như y tế, thú y, giáo viên, xã hội học, ngôn ngữ học, kinh tế … - Các chức năng vận hành hoạt động: các chức năng mà hầu như NGO nào cũng cần như hành chính, tài chính, marketing, kế toán, quản lý, nhân sự - Bạn có thể dựa vào một trong hai tiêu chí trên hoặc cả 2, mảng hoạt động và chức năng công việc để xác định công việc phù hợp.
*Làm NGO có cần kinh nghiệm không?* Nếu bạn mới ra trường và ứng tuyển cho vị trí thấp nhất trong NGO đó, thì bạn không cần nhiều kinh nghiệm. Nhưng sẽ dễ dàng hơn khi bạn đã thu thập được một vài kinh nghiệm đi tình nguyện hay hoạt động xã hội.
*Còn nếu bạn đã đi làm và muốn đổi ngành?* Lúc mình mới đi xin việc NGO, dù đã có đi tình nguyện từ trước, đến đâu họ cũng nói “nhưng em không có kinh nghiệm”. Sự thật là kinh nghiệm của bạn trong các công ty kinh doanh hoàn toàn có thể chuyển đổi sang phi chính phủ. Bản chất công việc vẫn vậy, chỉ có tính chất là khác. Vì dụ như marketing, trong công ty bạn marketing để bán được sản phẩm, trong phi chính phủ bạn marketing để kết nối với tình nguyện viên, nhà tài trợ, dân chúng, những người có thể ủng hộ tứ chức. Nói đây để bạn chuẩn bị tinh thần khi chuẩn bị hồ sơ và phỏng vấn. Bạn có thể chưa làm phi chính phủ bao giờ nhưng không có nghĩa là không thể, và bạn sẽ cần phải tự học khá nhiều.
*Môi trường làm việc trong các tổ chức phi chính phủ thế nào?* Mình lẽ ra không bao gồm phần này, nhưng sau khi đọc một bài báo ca ngợi “tổ chức phi chính phủ là môi trường quốc tế năng động với những con người đầy lòng nhân ái”, mình thấy cần bổ sung thêm.
Có các tổ chức phi chính phủ địa phương, có các tổ chức quốc tế. Nếu bạn làm việc cho một tổ chức địa phương thì môi trường làm việc của bạn là tiếng Việt rồi. Một số tổ chức quốc tế nhưng sử dụng người bản địa để dễ làm việc với người dân, đến country director cũng là người Việt nên không thể xem là môi trừơng quốc tế. Chỉ một số ít tổ chức có cả nhân viên nước ngoài, hay bạn làm ở bộ phận ngoại giao tiếp nhà tài trợ nước ngooài, hay bạn phải đi công tác nước ngoài thì mới là “quốc tế”.
Cơ hội được đi nước ngoài khi làm việc cho các tổ chức phi chính phủ là tùy thuộc vào vị trí và tính chất công việc của bạn. So sánh với bạn bè đi làm cho các công ty bình thường, mình thấy các bạn có cơ hội đi công tác, hội thảo hay tập huấn ở nước ngoài không kém gì bản thân mình, thậm chí còn nhiều hơn. Công việc NGO đầu tiên của mình là cho một tổ chức về tình nguyện quốc tế. Nói vậy thôi nhưng số lần mình và bất kỳ nhân viên nào khác được gửi đi nước ngoài trong vòng một năm là một lần. Trừ các sếp số lần đi đếm không hết.
Đa phần những người làm phi chính phủ là những người hiền hòa, muốn giúp đỡ người khác, muốn làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng vẫn có những người làm phi chính phủ vì … lợi nhuận, lương cao, lợi ích cá nhân. Việc này không hiếm, không chỉ ở VN mà cả trên thế giới.
Một lần nữa, mong các bạn đừng bị choáng ngợp bởi hào quang tạo ra từ việc đứng ngoài nhìn vô hay chỉ biết sơ sơ về các tổ chức phi chính phủ. Như bất kỳ ngành nghề nào khác, khi xin việc, bạn vẫn phải tìm hiểu về môi trường làm việc, đồng nghiệp, văn hóa trong tổ chức đó trước khi quyết định.
Theo Thúy Cheshire. Source: Việc làm tại các Tổ chức phi chính phủ - các tổ chức vì cộng đồng sưu tầm
-
Việc làm tại các tổ chức phi chính phủ - NGO Recruitment
- Website: https://ngorecruitment.org/
- Instagram: https://www.instagram.com/ngorecruitment_vn
- LinkedIn: https://www.linkedin.com/in/ngorecruitment
- Group: https://www.facebook.com/groups/VieclamPhichinhphu
- Youtube: http://bit.ly/Youtube_NGORecruitment
Recent Job
Consultant - Assistant Plant Breeder (The International Potato Center)
The International Potato Center (CIP)15/01/2025
Human Resources Office
U.S. Mission in Hanoi02/01/2025
Điều phối viên Nghiên cứu (PanNature)
Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature15/01/2025
Thực tập sinh Chương trình (Orbis Vietnam)
26/12/2024
Volunteer Program
CARE International in VietnamAll year round
Cộng tác viên Phát triển nội dung Toán phổ thông (VNF)
VNF31/01/2025
International Communications Coordinator (ENV)
Education for Nature - Vietnam27/12/2024
Community Programs Officer (FIT)
IRD31/12/2024
Thực Tập Sinh Khối Đối tác Trường học và Đào tạo (The Vietnam Foundation)
VNF31/12/2024
Chuyên viên Phát triển nội dung Toán phổ thông (The Vietnam Foundation)
The Vietnam Foundation31/12/2024